Đông Nam Á được xem là khu vực có nền ẩm thực phát triển khá phong phú. Mặc dù có sự pha trộn của nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau nhưng nét đặc trưng của mỗi nơi vẫn được giữ nguyên, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cà ri Amok và bò lúc lắc (Campuchia)
Khó có ai có thể cưỡng lại cái vị thơm từ cá nước ngọt hấp với hành tím, sả, tỏi bằm nguyễn,… Phủ lên chúng là hỗn hợp nước cốt dừa đi kèm đường, mắm, thốt nốt, trứng và Khượng (một loại gia vị đặc biệt làm từ loại chanh rừng của người Campuchia).
Khách du lịch Việt Nam không lạ lẫm gì với món bò lúc lắc. Tuy nhiên thưởng thức món ăn quen thuộc này ở một nơi có loại thịt bò nuôi thả rông, mềm và ngọt như Phnom Penh thì lại là một chuyện khác. Được ướp với hạt tiêu xanh Campuchia, nước cốt chanh và lắc đều tay với tỏi, hành tây, dầu hào, miếng bò lúc lắc Campuchia có thể tan chảy trong miệng và để lại những dư vị khó quên.
Bánh xèo và nem rán (Việt Nam)
Với bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được rán màu vàng, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt. Tuỳ theo từng địa phương tại Việt Nam mà bánh được thưởng thức với nét đặc trưng riêng. Thường có 2 phong cách: đổ bánh xèo giòn và bánh xèo dai.
Nem rán là món ăn phổ biến của người Việt. Người nước ngoài vốn chỉ quen thuộc món nem cuốn với bún và rau tươi, nhưng khi tới Việt Nam, điều thu hút họ là những chiếc nem rán vàng ruộm ăn kèm rau sống và nước chấm chua ngọt.
Salad lá trà và cơm người Shan (Myanmar)
Một trong những món ngon đặc biệt nhất của người Myanmar chính là lephet – lá trà lên men. Những lá trà này được sử dụng để chế biến món salad lá trà và được dùng để ăn vặt, khai vị hay ăn cùng với cơm. Những lá trà chua được trộn với hơi đắng, bắp cải thái sợi, cà chua lát, các loại đậu, dầu tỏi và những lát tỏi, ớt cay nồng để tạo nên món salad đặc biệt.
Cơm người Shan (một tộc người ở Myanmar) còn được biết tới với cái tên khác là nga htamin – cơm cá. Những hạt cơm thơm dẻo được nấu với nước nghệ vàng ươm và ăn kết hợp với một khúc cá nước ngọt phết dầu tỏi thơm lừng. Cùng với các gia vị như tỏi, ớt, tiêu, cơm kiểu người Shan là món ăn khoái khẩu cho những người nghiền món cay.
Pad Thai và Khao Soi (Thái Lan)
Mì được xào trong chảo nóng cùng hành tây, trứng, thêm gia vị độc đáo từ mắm, đường, bột ớt và đậu phộng xay nhuyễn. Bạn có thể tìm thấy món ăn này tại bất cứ khu ẩm thực nào của Thái, chỉ có khác đi một chút với các thành phần trong đó theo từng vùng miền.
Khao soi có ở miền Đông bắc Thái Lan, Myanmar và Lào. Nhiều người nói rằng món khao soi có nguồn gốc từ Miến Điện nhưng thật ra nó được người hồi giáo di cư từ vùng Vân Nam mang theo. Tại Chiangrai nơi cộng đồng người Vân Nam đang sống vẫn còn lưu giữ món khao soi nguyên thủy. Nó là sự pha trộn của mì trứng chiên giòn hay mềm, thịt gà, nước cốt dừa, nghệ, chanh, rau mùi và hẹ tây.
Mỳ Penang Assam Laksa và cơm cà ri Nasi Kandar (Malaysia)
Mỳ Penang Assam Laksa được coi là món ăn nổi tiếng của Malaysia. Assam Laksa được làm hoàn chỉnh với sợi mỳ to, dai giòn hòa trong nước dùng được chế biến từ canh chua cá. Món ăn này nổi tiếng nhất là ở bang Penang, cách thủ đô Kuala Lumpur gần 300 km.
Cơm cà ri Nasi Kandar có nguồn gốc từ cộng đồng người Ấn Độ, được bày bán phổ biến trên các quán ăn vỉa hè ở Penang. Điểm tạo nên sự khác biệt cho Nasi Kandar chính là nhờ nước sốt cà ri với gia vị cay nồng, ấm nóng rất đặc trưng. Cùng với cơm nóng, người ăn có thể chọn kết hợp cùng nhiều loại thức ăn khác nhau như: thịt bò, thịt gà, tôm, trứng tráng, mướp tây,…
Adobo và Kare Kare (Philippines)
Adobo là một trong những món ăn đặc trưng của đất nước Philippines. Món ăn này thường sử dụng thịt gà hoặc thịt heo làm nguyên liệu chính, được ướp tỏi và nước tương trong vài giờ đồng hồ. Sau đó thịt ướp tiếp tục được hầm trong nước với giấm, lá nguyệt quế, muối và hạt tiêu đen.
Món hầm với rau củ, đuôi bò, dạ dày và thịt bò là một món nổi bật, khác biệt với các món hầm ở Philippines (hầu hết đều dùng nước sốt cà chua) không chỉ vì nó dùng nước sốt đậu phộng mà bởi vì các món ăn đi kèm của nó là bagoong alamang hay còn gọi là mắm tôm.
Xôi và Lạp (Lào)
Xôi là món ăn quan trọng hàng ngày của người Lào. Trong các bữa tiệc, bữa cơm gia đình, người Lào thường ăn xôi. Ngày nay, nhiều gia đình đã có thói quen ăn cơm nhưng không nhiều. Xôi Lào được làm từ loại nếp được trồng trên nương nên dính và nhuyễn, màu trắng ngà rất đẹp mắt.
Nguyên liệu làm Lạp có thể dùng thịt bò, thịt lợn, thịt gà… trộn với gan băm nhỏ và gia vị như: nước cốt chanh, ớt, riềng, thính nếp. Sau khi trộn đều, món lạp sẽ ăn kèm rau sống như diếp cá, xà lách, đậu đũa… tất cả cùng hòa quyện tạo nên mùi thơm cực kỳ hấp dẫn. Vị chua của nước cốt chanh, vị cay của ớt, vị thơm của gia vị… đưa đến cho bạn một cảm nhận khó quên.
Theo Huy Bân