Có một số thứ được coi là linh hồn hay nét đặc trưng của một quốc gia. Do đó, nếu bạn lỡ bỏ qua nó thì thật sự là điều rất đáng tiếc. Thời gian du lịch Nhật Bản
Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Nhật Bản tự túc là vào nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 4 – lúc hoa Anh Đào nở rộ và từ nửa cuối tháng 10 đến nửa đầu tháng 11 – là thời kỳ du khách có thể ngắm lá vàng lá đỏ tại đây. Ở Nhật Bản, hàng hóa được bán đúng giá nên không cần phải trả giá. Mùa giảm giá ở Nhật Bản vào tháng 7 và tháng 8 hoặc vào dịp Tết. Nếu muốn mua một món đồ quý giá, có chất lượng tốt thì bạn nên mua ở Ginza. Còn mua hàng điện tử bạn có thể đến các chợ trời, chợ điện tử Akihabara,….
Với những món quà lưu niệm đặc biệt của Nhật như: búp bê, quạt, áo kimono, túi xách,… thì bạn hãy đến khu Asakusa-bashi hoặc những cửa hàng 100 yên.
Di chuyển và ăn ở tại Nhật Bản
Như các bạn đã biết, giao thông Nhật Bản khá phức tạp và đắt đỏ đối với khách du lịch. Nếu đi du lịch Nhật Bảntự túc, sẽ có khá nhiều phương tiện đi lại cho bạn lựa chọn. Nhưng những phương tiện tiết kiệm nhất và vẫn đảm bảo an toàn cho hành khách khi tham gia giao thông Nhật Bản là tàu cao tốc (tàu điện cao tốc liên tỉnh, tàu Cao tốc Shinkansen), tàu điện ngầm, hoặc xe bus.
Giá phòng khách sạn ở đây có mức trung bình khoảng 70 USD/đêm nhưng phòng hơi chật chội. Để tiết kiệm, bạn nên ở những khách sạn rẻ tiền, đi đến những nơi gần… sẽ giúp bạn “bảo lưu” được khoảng 60 USD/ngày. Bạn sẽ dư ra 10 USD để trả thêm cho tiền quà vặt, phí công cộng. Nếu ở khách sạn lớn, ăn ở nhà hàng sang trọng thì bạn có thể tốn đến 200 USD hoặc hơn.
Đồ ăn ở Nhật khá đắt đỏ nhất là đối với các món sushi, nhiều bạn thường thắc mắc đáng lẽ tại nơi được coi là vương quốc của sushi thì món này phải rẻ. Nhưng thực chất một phần sushi đầy đủ các món sơ sơ có giá vào khoảng 900.000 – 1 triệu đồng. Món ăn bình dân được du khách Việt ưa chuộng là Gyu-meshi (cơm bò) giá khoảng 390 yên (tương đương 81.000 đồng), cà ri Nhật giá khoảng 400 yên (tương đương 83.000 đồng).
Ngoài ra, bạn có thể tìm được các món ăn có giá tương tự tại các hàng quán vỉa hè hay các quán ăn bình dân.
Đừng bỏ qua những điểm tham quan “đinh”
Quần thể kiến trúc Phật giáo Horyuji: được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm vào năm 2003, quần thể kiến trúc Phật giáo Horyuji là quốc bảo của du lịch Nhật Bản nằm ở tỉnh Nara. Trong số các công trình trong quần thể này, đáng chú ý nhất là chùa Horyuji (Pháp Long học vấn tự) có một số tòa kiến trúc bằng gỗ cổ nhất thế giới, và chùa Hokkiji với tượng Bồ Tát Quán Thế Âm 11 mặt.
Lâu đài Himeji: là một trong những điểm đến quan trọng nhất của du lịch Nhật Bản. Nằm ở thành phố Himeji thuộc tỉnh Hyogo, Himeji là một khối kiến trúc lâu đài được cải tạo thời xưa từ một pháo đài. Himeji được xem là hình mẫu kiến trúc lâu đài của Nhật Bản, đã hoàn toàn vẹn nguyên qua các đợt ném bom trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và trận động đất Kobe.
Cụm di tích cổ Kyoto: các điểm đến trong cụm di tích cổ cố đô Kyoto là một phần không thể thiếu đối với bất kì hành trình du lịch Nhật Bản nào. Cụ thể, khi tham quan cổ đô Kyoto bạn sẽ khám phá: 14 chùa Phật giáo, 3 đền Thần đạo và 1 lâu đài tên là Nijo. Trong đó, nổi bật nhất là chùa Kiyomizu với kiến trúc bằng gỗ trên cao, chùa Kinkakuji được bao phủ bằng những chiếc lá bằng vàng nguyên chất, chùa Ryoanji với khu vườn đá phong cách thiền, và chùa Kozanji nằm sâu trong rừng với những quốc bảo quý nhất của Nhật.
Khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima – Genbaku Dome (Vòm bom nguyên tử): Thành phố Hiroshima, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của quả bom nguyên tử, hiện nay đã trở thành một điểm du lịch phổ biến của du lịch Nhật Bản. Một trong những điểm tham quan chính của thành phố này chính là khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima với vòm bom nguyên tử Genbaku Dome. Đây là tòa kiến trúc duy nhất còn trụ lại trong khu vực gần địa điểm phát nổ của quả bom.
Đền Itsukushima: nằm ở đảo Miyajima thuộc tỉnh Hiroshima, đền Itsukushima (còn gọi là thần xã Itsukushima) là công trình thần đạo quan trọng của du lịch Nhật Bản, nổi tiếng với cánh cổng torii khổng lồ. Khung cảnh cánh cổng torii này ngập trong nước biển phía trước núi Misen của đảo Miyajima là một trong 3 cảnh đẹp nhất của Nhật Bản.
Mua sắm ở những khu vực nổi tiếng
Ginza: là khu mua sắm xa xỉ bậc nhất của Tokyo, đây là điểm đến dành cho những tín đồ mua sắm với hầu bao dày. Du khách có thể sắm cho mình đủ món đồ thượng hạng từ quần áo, mỹ phẩm tới các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Asakusa: là trung tâm của khu bình dân của thành Tokyo cổ (gọi là Edo). Đây là nơi ở của các nghệ nhân, thương nhân và gái mại dâm. Ngày nay, những con hẻm nhỏ lộng gió của Asakusa vẫn đầy những bất ngờ dành cho du khách với những cửa hàng bán sản phẩm truyền thống Nhật Bản như búp bê, trốn Taiko và nhiều đồ lưu niệm thú vị khác.
Shinjuku: là nơi du khách có thể tìm thấy những món đồ truyền thống thú vị như geta (guốc gỗ Nhật Bản) hay những chiếc túi từ vải kimono sang trọng,…
Roppongi: nổi tiếng với các tụ điểm ăn chơi, bar, pub, Roppongi cũng sở hữu rất nhiều trung tâm mua sắm lớn như Roppongi Hills và Tokyo Midtown. Nổi tiếng nhất vẫn là Japan Sword, nơi trưng bày và bán những thanh kiếm tanaka nổi tiếng của samurai Nhật Bản.
Shibuya: là khu phố mua sắm dành riêng cho các trào lưu teen ở Nhật Bản. Tại đây, có cả cửa hàng băng đĩa nhạc với số lượng băng đĩa khổng lồ giá rẻ, nhiều loại trang phục, phụ kiện thời thượng của giới trẻ Nhật Bản.
Harajuku & Aoyama: nổi tiếng với các cô gái theo phong cách Harajuku, khu phố này chật kín những cửa hàng bán trang phục tự thiết kế. Nếu là fan của phong cách thời trang Harajuku, Lolita,… bạn có thế tới khu phố này để sắm cho mình những trang phục độc đáo, lạ mắt. Khu Aoyama bán những trang phục có phần cao cấp hơn và mang tính sáng tạo nhiều hơn, tất nhiên cũng có cái giá “chát” hơn nhiều.
Ikebukuro: giá cả các đồ dùng ở đây rẻ hơn một chút, dành cho những người có hầu bao eo hẹp và không cần mua hàng hiệu. Ikebukuro có nhiều cửa hiệu tạp hóa lớn nơi bạn hoàn toàn có thể mặc cả hạ giá các món đồ được bán trong quầy.
Odaiba: là thánh địa mua sắm nổi tiếng với đầy đủ các thương hiệu danh tiếng cũng như cửa hàng nhỏ, Odaiba là điểm đến rộng cửa chào đón tín đồ du lịch thích tiêu pha lẫn tiết kiệm.
Theo Huy Bân