Đàn cá ở đây rất dạn người, thấy thức ăn là tung mỏ lên đớp, thậm chí đớp cả thức ăn trên tay người.
Từ thành phố Thanh Hóa, thẳng quốc lộ 45 khoảng 70 km sẽ gặp đường mòn Hồ Chí Minh, đi khoảng 15 km nữa đến cầu treo Cẩm Lương nối ngang dòng sông Mã, uốn quanh núi Trường Sinh. Đến đây, đã có bảng chỉ đường vào đến suối Cá Thần (dân ở đây mà chủ yếu là người Mường sinh sống gọi là Mó Ngọc).
Loài cá trong sách đỏ
Suối Cá Thần hay còn gọi là suối Ngọc trải dài ra đến tận sông Mã (khoảng 2 km). Riêng khu vực “cá thần” xuất hiện chỉ khoảng 60 m tính từ cửa hang. Chiều rộng của suối là 3m. Mực nước ở đây khoảng 40cm, nước trong vắt nên ở khu vực cá không ra tới, có thể nhìn rõ những viên sỏi và rêu. Chúng tôi đến nơi khi trời đã xấp xế chiều, trời khá lạnh (khoảng 150C).
Người dân bản địa cho hay, thời tiết này cá ra ít lắm, chỉ khi nào trời nắng to, cá mới thích ra ngoài “rong chơi và tắm nắng”. Thế nhưng chúng tôi vẫn thấy từ cửa hang hàng ngàn con cá lúc nhúc chui ra, con nhỏ nhất khoảng 1kg, con lớn chừng 5 kg. Lạ là dù dòng suối không có be đập nhưng đàn cá cũng chỉ quanh quẩn ở cửa hang và chơi với khách.
Đàn cá đang chơi đùa |
Chúng tôi mua một ít rau và bỏng ngô của những người dân tộc bán quanh đó để “làm quen” với cá. Đàn cá ở đây rất dạn người, thấy thức ăn là tung mỏ lên đớp, thậm chí đớp cả thức ăn trên tay người. Cảm giác như không có khoảng cách giữa người và loại cá được gọi là thần này.
Hình dáng của cá nhìn tựa như cá trôi, vẩy đen, lưng sẫm màu xanh rêu, thân căng tròn ở phần giữa, môi có màu phớt hồng. Nhìn hình dáng bên ngoài, loài cá này có vẻ hơi kỳ quái, không giống với những loại cá thông thường. Những người bán hàng xung quanh Mó Ngọc nói đây là cá trắm nhưng dân bản địa gọi là cá dốc (cá dóc) có họ hàng với cá dốc sông Mã.
Hiện nay, loài cá này có trong Sách đỏ Việt Nam với cái tên khoa học là Spinibarbichthys Denticulatus. Những nhà thám hiểm của Việt Nam và nước ngoài đến đây ngày càng nhiều nhưng vẫn không lý giải được rất nhiều câu hỏi: cá ăn gì để sống, tại sao cá không đi xa, tuổi thọ của cá là bao nhiêu, khi chết, xác cá trôi về đâu, sao cá lại thân thiện với con người đến vậy…
Gọi là cá gì đi nữa thì người dân xung quanh suối Ngọc vẫn tin rằng, cá ở suối này không phải là cá thường mà là cá thần, nếu ai ăn nó hoặc bắt nó sẽ bị báo ứng.
Những người bán hàng dọc suối thường kể những chuyện đại loại như: Có hai cha con nhà nọ bắt cá làm thịt. Khi thả vào nồi, cá liền tan thành nước. Hay 2 chàng thanh niên không tin những chuyện cho là ‘thêu dệt phi lí’ liền bắt 2 con cá mang về, giữa đường bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử…
Một bà người dân tộc Mường ngồi gần đó nói giọng dân tộc pha Kinh lơ lớ: “Thử uống nước đi, nước rất ngọt và không tanh, cả bản này sống bằng nước ở suối này đấy”. Tôi muốn kiểm chứng lời bà nói, đưa tay vục nước nhưng không dám uống mà ngửi, thật ngạc nhiên giữa lúc nhúc cá như vậy nhưng nước vẫn trong suốt và không có mùi tanh.
Người ta tin rằng, ai ăn cá này sẽ bị báo ứng |
Cá thần – sự thật hay huyền thoại?
Cách hang đá nơi cá chui ra khoảng 10 m, tôi nhác thấy người đàn bà, quần xoắn tận bẹn đang nhặt rác trên suối. Bà là Nguyễn Thị Nông, 63 tuổi, mọi người trong bản sợ giẫm phải cá, cả gia đình sẽ không may mắn nên không ai dám xuống suối, bà nhận làm công việc vớt rác này đến nay cũng đã ngót 42 năm.
Tôi định bắt chuyện bà để hỏi về suối cá này, vì với tuổi đời của bà ít ra cũng biết được ít nhiều hoặc nguồn gốc những con cá ở đây. Nhưng bà nói người hiểu chuyện nhất về suối cá là một cụ ông trong bản.
Ông Dương Cách đang kể chuyện |
Theo lời chỉ dẫn của bà, tôi đến gặp cụ Dương Cách, 82 tuổi (Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cẩm Lương). Ông lão gầy nhom, hom hem nhưng giọng nói rất khỏe và không kém phần hóm hỉnh. Ông bắt đầu câu chuyện về suối cá thần bằng một truyền thuyết mà có thể người dân ở bản này ai ai cũng biết: ngày xưa ông Mường – một người giàu có trong làng, có một người con gái đặt tên là nàng Ngọc.
Bao nhiêu trai tráng con nhà danh giá trong làng thầm thương trộm nhớ, nàng Ngọc lại đi yêu chàng Khôi. Chàng Khôi nhìn tướng tá khôi ngô, có tài thổi sáo nhưng lại quá nghèo.
Ông Mường không chấp nhận chàng Khôi làm rể, ông thách cưới bằng cách đòi chàng Khôi phải mang 100 trâu đến làm sính lễ đón dâu. Chàng Khôi buồn bã bỏ đi lang thang. Nàng Ngọc ngày đêm thương nhớ chàng nên bỏ nhà ra đi. Lần theo tiếng sáo của chàng Khôi, cuối cùng nàng cũng tìm thấy chàng Khôi đang ngồi thổi sáo bên suối Ngọc. Cả hai thề nguyền sống chết có nhau nên cùng nhảy xuống suối để quyên sinh.
Ông Mường không thấy con gái bèn cho người đổ đi khắp các ngả rừng để tìm. Đi đến đoạn cuối cùng của suối Ngọc (giờ là suối cá thần) thì tìm thấy một ống sáo nằm ven suối. Dưới suối là hai con cá tung tăng bơi lội, một cá đực và một cá cái. Cá cái có khoen tai bên mang, ông nhận ra đó là của con gái mình.
Ông Dương Cách hồ hởi: “Không biết chuyện thực hư thế nào, chỉ biết suối cá khi tôi sinh ra đã có rồi. “Lịch hoạt động” của đàn cá rất đều đặn, sáng ra suối, tối vào hang; có cá Mẹ rất to ở hang gần đỉnh núi Lương…
Để khẳng định điều này, ông quay sang một cụ bên cạnh: “Chính mắt tôi đã nhìn thấy cá Mẹ to bằng tàu lá chuối nhưng nhiều năm rồi chưa thấy nó ra trở lại. Cả đời tôi sinh ra, lớn lên ở đây cũng chỉ mới gặp cá Mẹ có một lần thôi. Đó là năm 1975, cụ nhỉ?”.
Ông cụ ngồi bên cạnh đang mãi ăn bánh, miệng cười móm mém như một đứa trẻ, gật gù. Ông kể tiếp: “Năm đó nước lớn lắm. Trước khi cá ra, dòng nước ở cả đoạn suối dài này đục ngàu lên. Cá to như cái thùng, khiến người dân nhìn thấy hoảng sợ mà bỏ chạy. Tuy nhiên, cá chỉ ra khoảng 10m rồi quay đầu trở về hang. Sau lần đó, sống gần hết đời người ở đây, tôi chưa bao giờ thấy lại”.
Chúng tôi hỏi về những chuyện huyền bí liên quan đến suối cá thần, ông Dương Cách kể: “Vào năm 1967, sư đoàn 335 đóng quân tại huyện Thạch Hành, Thanh Hóa. Trong một lần hành quân, vừa đến suối Ngọc thì trời tối nên quyết định nghỉ lại đây qua đêm. Một thanh niên phát hiện dưới suối có nhiều cá liền lội xuống bắt cá lên nướng. Ngay sau đó, anh thanh niên kêu đau bụng rồi mạch cứ yếu dần đến chết”.
Trường hợp khác, có hai vợ chồng kia, đi ngang qua suối thấy nhiều cá nên liền bắt một con về nấu canh. Sau khi làm thịt cá bỏ vào nồi đun chín, đến bữa ăn, họ mở nắp nồi thì thấy nước trong veo, không có miếng cá nào trong nồi. Thấy lạ nhưng người chồng vẫn ăn. Ăn xong liền thấy khó chịu và sau đó không lâu thì qua đời…
Từ những câu chuyện được truyền miệng với nhau, cộng với truyền thuyết về “thần cá” nên người Mường càng tin cá chính là thần linh. Và chính những câu chuyện này đã khoác lên suối cá thần một vẻ đẹp đầy tính huyền bí.
Tiễn chúng tôi ra cổng, ông hóm hỉnh: “Hai đằng ấy mà yêu ai, gia đình không đồng ý, cả hai cứ đến đây xin thần cá. Về nhà là có cưới hỏi ngay thôi! Thần cá linh thiêng lắm nên trai gái trong làng đều đến khấn xin thần!”.
Loài cá Dốc quý hiếm có trong danh sách đỏ |
Để tìm một lý giải khác, chúng tôi đến gặp ông Phạm Hồng Đức (85 tuổi), là người trông coi đền thờ rắn. Ông sống ở suối cá này đã ngót 80 năm, ông khẳng định: “Suối cá này có lâu lắm rồi, từ thế kỷ thứ 11. Khoảng thời gian đó có một trận mưa rất to. Có hai nguồn nước, một nguồn từ suối chảy xuống, một nguồn từ sông đổ vào. Cá của suối Ngọc bây giờ chính là cá từ sông chảy vào. Do đây là đoạn trũng nhất của suối nên khi nước rút, cá bị kẹt lại, không thoát ra ngoài được. Từ đó, đàn cá sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều.
Vào khoảng năm 1958, có một đoàn thám hiểm vào hang để nghiên cứu. Họ thấy bên trong có hai nguồn nước nóng và ấm. Cá sống đông đúc ở nguồn nước ấm. Họ đoán chừng bên trong hang sâu có lượng thức ăn dồi dào nuôi sống cá. Riêng với những chuyện thần bí về suối cá, chỉ là nghe truyền miệng lại chứ không có bất cứ kiểm chứng nên tôi cũng không biết rõ thực hư thế nào”.
Khi tôi hỏi: “Ăn cá có chết như người ta nói không?”, ông cụ chép miệng: “Ăn cá mà chết thì tôi chả sống đến tận bây giờ. Chả qua là thịt cá bở, không có mùi vị như những loại cá khác”. Ông chỉ tay ra xa: “Muốn ăn cá, ra sông Mã mà bắt, thiếu gì. Cá vừa ngon vừa phong phú, làm gì phải ăn cá này!”.
Khi nghe tôi thắc mắc, người dân ở đây nói chưa bao giờ thấy cá chết và khẳng định đó là cá thần, ông Phạm Hồng Đức cũng cho biết, chuyện cá suối Ngọc không chết bao giờ là phi lý, có điều, người ta ít thấy cá chết tại suối, có thể chúng chết ở một hang hốc nào đó, hy hữu mới thấy một vài chú cá “bỏ mạng” bên suối. Những lúc như thế, người già trong làng đã vớt lên, đem vào đền lễ, xin phép thần Rắn rồi chôn ở cái gò gần suối, có đánh dấu mộ đàng hoàng.
Chiều tà, ông dõi mắt nhìn ra chiếc cầu bắc ngang suối cá thần vào đền thờ rắn. Ông chỉ một đôi trai gái đang dắt tay nhau đi qua cầu: “Họ đến để cầu duyên đấy! Nơi này linh lắm! Rồi họ sẽ được ở bên nhau trọn đời!”.
Tôi lại thấy sự mâu thuẫn trong chính những gì ông vừa nói. Tôi nhìn theo hướng tay ông, cảm giác yên bình lan tỏa. Và tôi tin, những gì bạn có được khi vượt qua chặng đường dài để đến đây là niềm tin về hạnh phúc, về bình yên cho đôi lứa.