Vạn Lý Trường Thành là một công trình lịch sử quan trọng của Trung Quốc, nhưng ngày nay công trình này đang bị phá hủy và có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng.

Nhắc đến Vạn Lý Trường Thành, người ta sẽ nghĩ đến một công trình xây dựng dài hàng nghìn km được xây dựng bởi bởi bàn tay con người đã tồn tại suốt hơn 2000 năm. Tuy nhiên, chính con người lại đang là nguyên nhân khiến công trình lịch sử xuống cấp nghiêm trọng.
Những khu vực bị hư hỏng nhiều nhất có lẽ đều thuộc những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi những biện pháp, chính sách để bảo tồn Vạn Lý Trường Thành vẫn chưa được phổ biến rộng rãi đến người dân.
Theo một thành viên quản lý di tích cho biết, gần 2/3 Vạn lý Trường thành hiện đã hư hại hoặc đổ nát. Nông dân xung quanh di tích đang biến nơi đây thành đường mòn hoặc đập phá để lấy làm nguyên vật liệu xây dựng. Thành viên này cũng cho biết “Vài thập niên trước, chiều cao của Vạn Lý Trường Thành đạt từ 10 tới 15 m, song hiện giờ chưa tới 2 m”.
Ngoài ra một có khá nhiều đoạn tường thành đã bị người dân phá sập để mở lối đường đi nhằm phục vụ cho các công trình xây dựng và hoạt động khai thác hầm mỏ. Những đống gạch vỡ hay hàng trăm cây số bị bao phủ bởi cỏ cây thành một vùng hoang dại là hình ảnh dễ thấy ở nhiều đoạn của Vạn Lý Trường Thành, nhất là ở những vùng xa xôi, nơi người dân có trình độ dân trí kém hoặc chưa ý thức được tầm quan trọng của công trình đối với lịch sử, văn hóa Trung Quốc.
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của Vạn Lý Trường Thành, quỹ Bảo tồn Di sản thế giới đã liệt công trình này vào danh sách những di sản bị đe dọa nặng nề nhất.
Từ năm 2006, chính phủ Trung Quốc cũng đã từng đưa ra kế hoạch trùng tu công trình này nhưng do kinh phí quá lớn nên vẫn chưa thể thực hiện được. Theo các nhà bảo tồn, nếu tình trạng xuống cấp này vẫn tiếp tục diễn ra, chỉ trong vòng 2 thập kỷ tới khoảng 60km Trường Thành tại khu vực tỉnh Cam Túc sẽ hoàn toàn biến mất.

Nguồn: sưu tầm