Đấu trường La Mã, khi bắt đầu xây dựng được gọi là Amphitheatrum Flavium theo tiếng Latinh. Sau này, thế giới quen gọi là Colosseum, trong khi người Ý thì quen thuộc với cái tên Colosseo hơn.

Đấu trường La Mã có gần 2.000 năm tuổi

Nằm ở phía đông nam của thành phố Roma, từ nhà ga trung tâm Termini, đón metro line B đến Colosseum chỉ mất hơn chục phút với 2 euro.

Đấu trường được dựng khoảng năm 70 sau Công nguyên, thời hoàng đế Vespasian. Đây là công trình lớn nhất được xây ở Đế chế La Mã, hoàn thành năm 80 sau Công nguyên dưới thời Titus.

Khu vực sảnh thấp nhất nằm phía ngoài cùng của đấu trường

Cây cỏ nở hoa trên di tích hai ngàn năm tuổi

Dưới thời hoàng đế Domitian, nhiều hoạt động chỉnh sửa đã được thực hiện để phù hợp làm đấu trường cho các võ sĩ giác đấu thi đấu, tập trận giả, săn thú, trình diễn kịch cổ điển trước công chúng. Từ thế kỷ 6-12, đấu trường được chuyển sang sử dụng làm nhà ở, xưởng thủ công, nhà thờ, nghĩa trang, cửa hàng, pháo đài…

Một chuồng nhốt thú dành cho các hoạt động săn thú trong hí trường

Công trình này là một cấu trúc đứng tự do, được xây trên một mặt đất bằng phẳng, thuộc thung lũng giữa đồi Caeli, đồi Esquiline và đồi Palatine. Giữa các đồi này còn có một dòng kênh chảy qua, hiện đã bị san lấp.

Theo phiên bản ban đầu, Colosseo có chiều cao 48 m (bốn tầng), chiều dài 189 m và chiều rộng 156 m. 80 lối dẫn được tạo ra quanh hí trường, mỗi lối vào có đánh số thứ tự giúp khách dễ tìm thấy vị trí ghế ngồi khi vào bên trong.

Đấu trường được thiết kế có sức chứa đến 75.000 người

Một khu vực ghế ngồi trong đấu trường còn sót lại

Các mái vòm cuốn, hành lang và các bậc lên xuống dẫn tới chỗ ngồi được thiết kế đặc biệt nhằm tạo ra hệ thống thoát hiểm thuận lợi, giúp mọi người có thể thoát khỏi đấu trường trong vòng vài phút trong tình trạng khẩn cấp.

Lối đi giữa tầng thứ 2 và hành lang dẫn vào khán đài

Ban đầu, đấu trường được xây bằng vữa và đá. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị hư hại do động đất, hỏa hoạn, chủ yếu là khu vực phía nam đấu trường, vật liệu nguyên thủy bị ăn cắp. Các bệ đá, trạm, cột, từ hí trường được dùng làm vật liệu xây dựng nhiều công trình khác tại Roma.

Các đợt trùng tu, khôi phục sau này đã đưa thêm các vật liệu mới như gạch vào xây dựng đấu trường, dấu vết còn rõ nét đến ngày nay.

Các cột đá bị hư hại còn sót lại được xếp ngay trong hí trường

Nhiều thế kỷ qua, hầu hết phía nam của công trình đấu trường bị hư hỏng chủ yếu do động đất và phong hóa của thời gian. Tuy nhiên, chu vi phía bắc của đấu trường vẫn còn nguyên với dấu vết trùng tu của thế kỷ 19.

Colosseum từ lâu được xem là biểu tượng của Đế chế La Mã và là một trong những mẫu kiến trúc La Mã đẹp nhất còn sót lại. Là đấu trường lớn nhất thế giới, Colosseum cũng là điểm tham quan hấp dẫn của Roma. Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ lớn của Ý vẫn diễn ra trong hí trường. Hằng năm vào thứ sáu Phục Sinh, Giáo hoàng có cuộc diễn hành cầm đuốc đến Colosseo.

Khu tầng hầm thấp nhất, nơi thú dữ và võ sĩ bị giữ chờ đến giờ đấu

Hệ thống tường thành phía bắc